UBND tỉnh Thái Nguyên vừa ban hành Công điện số 17/CĐ-UBND ngày 9/9 yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể thuộc tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hệ thống đê điều trên địa bàn tỉnh.
Theo tin từ Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thái Nguyên, mực nước sông Cầu tại Trạm thủy văn Gia Bẩy lúc 20 giờ 00 phút ngày 9/9/2024 là 2871 cm (cao hơn báo động III là 171 cm); tại Trạm thủy văn Chã là 898 cm (trên báo động I là 98 cm). Dự báo, trong 6 đến 12 giờ tới, trên sông Cầu tại Trạm thủy văn Gia Bẩy, lũ tiếp tục duy trì ở mức cao và ổn định, tại Trạm thủy văn Chã, đỉnh lũ có khả năng đạt trên báo động cấp III (báo động cấp III 1.000 cm) vào đêm 10/9/2024.
Thực hiện Công điện số 89/CĐ-TTg ngày 09/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung khắc phục sự cố sập nhịp cầu Phong Châu, tỉnh Phú Thọ và ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tại các tỉnh miền núi, trung du Bắc Bộ; để chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hệ thống đê điều trên địa bàn tỉnh, an toàn tính mạng và tài sản cho người dân và Nhà nước, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể thuộc tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố thực hiện nghiêm các công điện của Thủ tướng Chính phủ, Văn bản số 2381-CV/TU ngày 05/9/2024 của Tỉnh ủy Thái Nguyên về việc tập trung ứng phó khẩn cấp bão số 3 năm 2024 trên địa bàn tỉnh, Công điện số 16/CĐ-UBND ngày 08/9/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên về việc chủ động ứng phó với mưa lớn, lũ, ngập lụt, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hệ thống đê điều trên địa bàn tỉnh, Thông báo số 109/TB-UBND ngày 08/9/2024 của UBND tỉnh về kết luận của đồng chí Nguyễn Huy Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tại Hội nghị triển khai các biện pháp ứng phó với lũ, ngập lụt và đảm bảo an toàn hệ thống đê điều trên địa bàn tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố có đê, nhất là TP. Thái Nguyên chỉ đạo, huy động mọi nguồn lực để tập trung ứng phó với lũ, ngập lụt đảm bảo an toàn tính mạng người dân và hệ thống đê điều trên địa bàn quản lý. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tập trung khắc phục hậu quả mưa, lũ vừa qua; chỉ đạo, triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác ứng phó sạt lở đất, lũ ống, lũ quét và ngập lụt theo thẩm quyền, trong đó rà soát kỹ, chủ động sơ tán, di dời dân cư ra khỏi khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập sâu, nước chảy xiết nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân; kiểm soát chặt chẽ, hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm an toàn giao thông, nhất là tại ngầm tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực có nguy cơ sạt lở, kiên quyết không để người dân qua lại nếu không đảm bảo an toàn. Rà soát, kịp thời phát hiện, không để xảy ra các sự cố bất ngờ đối với các công trình cơ sở hạ tầng, nhất là các cầu giao thông, hồ đập, đê điều trên địa bàn. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng quân đội, công an các cấp triển khai kế hoạch hiệp đồng, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện, kịp thời hỗ trợ xử lý các sự cố đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, hỗ trợ sơ tán người dân ra khỏi khu vực ngập lụt, sạt lở; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, đôn đốc các đơn vị, địa phương triển khai công tác phòng, chống lụt, bão đảm bảo an toàn công trình đê điều, hồ đập theo phương án đã được phê duyệt. Chỉ đạo Chi cục Thủy lợi (Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh) tổ chức trực ban 24/7, theo dõi chặt chẽ tình hình bão, lũ trên địa bàn tỉnh để kịp thời tham mưu Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, UBND tỉnh chỉ đạo triển khai các biện pháp, giải pháp ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả thiên tai xảy ra theo phương châm “bốn tại chỗ” và theo đúng thẩm quyền. Sở Giao thông vận tải phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động kiểm tra, kịp thời phát hiện sự cố và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho các công trình cầu giao thông qua sông Cầu trong và sau lũ.
Các cơ quan thông tấn, báo chí của tỉnh tăng cường thời lượng phát sóng, kịp thời đưa tin về diễn biến mưa lớn, lũ, ngập lụt đến người dân và các cấp chính quyền để chủ động phòng tránh, ứng phó, hạn chế thiệt hại do mưa lũ, ngập lụt gây ra. Các sở, ban, ngành là thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh căn cứ nhiệm vụ được phân công, chủ động tổ chức kiểm tra thực hiện phương án, công tác ứng phó với mưa lớn, lũ, ngập lụt tại các địa phương được phân công theo dõi.
Thanh Thủy
thainguyen.gov.vn