Tóm tắt .vn

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cấp bách triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả bão số 3

Sáng nay (8/9), tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị với lãnh đạo 26 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ Thanh Hóa trở ra phía Bắc để đánh giá công tác chỉ đạo ứng phó, tình hình thiệt hại và triển khai các […]

Sáng nay (8/9), tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị với lãnh đạo 26 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ Thanh Hóa trở ra phía Bắc để đánh giá công tác chỉ đạo ứng phó, tình hình thiệt hại và triển khai các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả bão số 3 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Cùng tham dự có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc; lãnh đạo các bộ ngành, cơ quan Trung ương; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND 26 tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa trở ra phía Bắc.

Tại điểm cầu Trụ sở UBND tỉnh Thái Nguyên, tham dự Hội nghị có các đồng chí: Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Huy Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương trong tỉnh.

Hội nghị này nhằm đánh giá tình hình, công tác dự báo, công tác tuyên truyền, vận động, cung cấp thông tin cho người dân thực hiện “4 tại chỗ”; công tác ứng phó ở cả Trung ương và địa phương; đánh giá hậu quả, phân tích, chia sẻ các bài học kinh nghiệm; các biện pháp khắc phục hậu quả trong thời gian ngắn nhất có thể và các biện pháp lâu dài, chiến lược.

Theo báo cáo, bão số 3 (tên quốc tế là Yagi) là cơn bão mạnh nhất trên Biển Đông trong vòng 30 năm qua. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 16, giật trên cấp 17; khi đổ bộ vào đất liền Quảng Ninh – Hải Phòng sức gió mạnh nhất cấp 13 – 14, giật cấp 16 – 17. Bão số 3 và hoàn lưu sau bão có phạm vi ảnh hưởng rộng khắp khu vực Bắc Bộ đến Thanh Hóa (26 tỉnh, thành phố); gây mưa lớn cho khu vực Bắc Bộ. Về thiệt hại bước đầu (cập nhật đến 07h ngày 8/9/2024) có 05 người chết (Quảng Ninh 3, Hải Phòng 1, Hải Dương 1); 186 người bị thương; 25 tàu xi măng và gỗ loại nhỏ bị chìm tại nơi neo đậu ở Quảng Ninh; một số địa phương bị mất điện, mất liên lạc trên diện rộng. Do thời gian lưu bão dài và duy trì cường độ gió bão, gió giật rất mạnh đã làm 3.279 nhà ở bị hư hỏng; 401 cột điện bị gãy đổ; nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái, hư hỏng; rất nhiều biển hiệu quảng cáo, cột viễn thông bị gãy đổ; cây xanh đô thị bị bật gốc, gãy đổ. Về nông nghiệp, có 121.500 ha lúa và hoa màu bị ngập, hư hại; 5.027 ha cây ăn quả bị hư hại; trên 1.000 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi (chủ yếu ở Quảng Ninh). Vào khoảng 0h5′ ngày 08/9, tại xóm Chầm, xã Tân Minh, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình xảy ra vụ sạt lở đất vào 1 hộ gia đình làm 4 người chết, 1 người bị thương.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia dự báo từ ngày 08 đến 09/9/2024, hoàn lưu sau bão số 3 sẽ gây mưa lớn cho cả khu vực các đồng bằng, trung du và vùng núi phía Bắc, với lượng mưa trung bình 24h có thể lên tới 100 – 150 mm, có nơi có thể trên 200 mm. Nguy cơ cao xảy lũ trên các sông suối và lũ quét, sạt lở đất; ngập lụt tại các đô thị, thành phố và các tỉnh, trong đó có Thái Nguyên. 

Tại Hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và một số địa phương đã báo cáo nhanh tình hình và hậu quả do  bão gây ra.

Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chuyển lời thăm hỏi, chia sẻ của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới các địa phương, gia đình chịu thiệt hại do bão số 3 gây ra. Thủ tướng biểu dương các lực lượng tham gia phòng chống bão số 3 một cách rất quyết liệt, tập trung; cảm ơn Nhân dân, các doanh nghiệp đã chấp hành nghiêm chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền và tham gia phòng, chống lụt bão một cách tích cực, đùm bọc hỗ trợ nhau khắc phục hậu quả do bão gây ra.

Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh 5 nhiệm vụ cần thực hiện ngay, gồm: Một là, tập trung cứu người, tìm kiếm người mất tích; cứu chữa người bị thương, giải quyết hậu sự cho người chết. Hai là, không để người dân nào thiếu ăn thiếu mặc, thiếu chỗ ở, không có nơi nương tựa, không để học sinh thiếu trường lớp học, người bệnh không có chỗ điều trị. Ba là, khẩn trương khắc phục sự cố về điện, nước, viễn thông, đảm bảo thông suốt, phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo và sinh hoạt của người dân. Bốn là, khẩn trương thống kê thiệt hại do bão gây ra một cách chính xác, khách quan để có giải pháp hỗ trợ, khắc phục kịp thời. Năm là, phòng chống hoàn lưu bão, sạt lở, lũ ống, lũ quét ở các địa phương.

Ngay trong chiều nay (08/9), Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng và Đoàn công tác của Chính phủ sẽ trực tiếp đến các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão số 3 để nắm bắt tình hình thiệt hại, chỉ đạo kịp thời công tác khắc phục thiệt hại.

Theo thông tin từ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Nguyên, do ảnh hưởng của bão số 3 (YAGI), ngày 06/9 đến ngày 07/9 trên địa bàn tỉnh có mưa vừa, mưa to kèm dông, lốc. Thống kê đến 6h ngày 08/9/2024, trên địa bàn tỉnh không có thiệt hại về người; thiệt hại về tài sản ước tổng giá trị khoảng trên 5,4 tỷ đồng. Các địa phương đã di dời 133 hộ dân ra nhà văn hóa thôn và nhà người thân; 31 nhà bị tốc mái, hư hỏng; 01 nhà bị vỡ cửa kính; có 06 điểm trường bị tốc mái; 377 ha lúa bị đổ, bị ngập; 3.540 cây xanh, 7,6 ha cây ăn quả bị gẫy đổ; 302 con gia súc, gia cầm bị chết, lũ cuốn trôi; 03 chuồng trại chăn nuôi bị tốc mái, hư hỏng; 03 cầu tràn bị ngập; sạt lở 150 m bờ sông; đổ 31 cột điện, 02 trạm biến áp bị cháy và một số thiệt hại khác.

Sáng ngày 07/9, đồng chí Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng các sở, ban, ngành liên quan đi kiểm tra thực tế một số công trình thủy lợi, đê điều, vị trí trọng điểm xung yếu tại một số địa phương và chỉ đạo công tác phòng ngừa, ứng phó với bão số 3 và mưa lũ sau bão. Ngay sau khi thiên tai xảy ra, các sở, ban, ngành; cấp ủy, chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan đã chủ động triển khai lực lượng, phương tiện, vật tư theo phương châm “4 tại chỗ”; canh gác các khu vực cầu tràn, đường tràn bị ngập sâu, bảo đảm an toàn về người và phương tiện tham gia giao thông, thu dọn cây đổ đảm bảo giao thông thông suốt; khắc phục sự cố lưới điện kịp thời phục vụ đời sống, sản xuất; sửa chữa nhà ở, trường học, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống Nhân dân sau thiên tai; tiếp tục kiểm tra, rà soát, thống kê, đánh giá thiệt hại trên địa bàn và báo cáo theo quy định. Do ảnh hưởng của bão, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã có mưa vừa, mưa to (lượng mưa lớn nhất đo được tại Nghinh Tường là 75,8 mm) kèm theo dông, lốc, gió giật mạnh; dự báo từ nay đến ngày 09/9 khu vực tỉnh Thái Nguyên có mưa to đến rất to và dông, lượng mưa phổ biến từ 150 – 250 mm có nơi trên 300 mm.

Thu Hà – Thành Chung
thainguyen.gov.vn

Lên đầu trang

Tin liên quan

Tin mới nhất